Hướng tiếp cận Reggio Emilia

HƯỚNG TIẾP CẬN REGGIO EMILIA TẠI SKY-LINE


Hướng tiếp cận Reggio Emilia là phương pháp giáo dục được nhà tâm lý học người Italy, Loris Malaguzzi (1920-1994) phát triển từ những năm 40 của thế kỷ 20 sau khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 vừa kết thúc và được đặt tên theo ngôi làng Reggio Emilia ở phía bắc Italy.

Triết lý Reggio Emilia bắt nguồn từ niềm tin cho rằng trong mỗi trẻ đều chứa đựng một tiềm năng lớn và tiềm năng đó sẽ được phát triển nhờ chính trí tò mò vốn có của trẻ. Trẻ cố gắng tìm hiểu thế giới xung quanh và tự đưa ra cách riêng của mình để giải thích sự vận động của thế giới xung quanh trẻ.

Theo Reggio Emilia, mỗi cá nhân chúng ta đều xây dựng kiến thức của mình từ những kinh nghiệm thực tế, thông qua những tương tác của mỗi người với môi trường và xã hội. Trẻ em cũng vậy, trẻ cần được nhà trường và gia đình trao cho những cơ hội để xây dựng kho kiến thức của mình dựa trên trí tò mò tự nhiên của trẻ.

Hướng tiếp cận Reggio Emilia mang lại cho trẻ nhiều lợi ích nổi bật, như:

- Kích thích sự tò mò, quan sát của trẻ.

- Giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh từ đó tạo nên sự yêu thích tìm tòi học tập ở trẻ.

- Giúp trẻ phát triển khả năng tưởng tượng và sáng tạo qua các hoạt động như vẽ, nặn, sáng tác tranh.

- Phát triển khả năng hợp tác và làm việc nhóm của trẻ.

- Giúp trẻ biết yêu và bảo vệ thiên nhiên.

 

Sau nhiều năm triển khai, các hoạt động giáo dục theo hướng tiếp cận Reggio Emilia tại Sky-Line đã mang về hiệu quả tích cực trong việc rèn luyện khả năng sáng tạo của trẻ, đồng thời nhận được nhiều phản hồi tốt của phụ huynh, cụ thể:

* Môi trường trong lớp: nhằm kích thích sự phát triển 5 giác quan của trẻ:

+ Ngửi: Nhà trường đã sử dụng đèn xông tinh dầu cho tất cả các lớp với mùi hương nhẹ nhàng (sả chanh, tràm, quế…) giúp trẻ được thoải mái sinh hoạt và học tập, kích thích sự sáng tạo trong các hoạt động học và chơi.

+ Nghe: môi trường âm nhạc được sử dụng hầu hết trong các hoạt động sinh hoạt và học tập của trẻ tạo cho trẻ thói quen đoán biết hoạt động tiếp theo khi nghe nhạc hiệu, đặc biệt  mùi hương kết hợp với âm nhạc (nhạc sóng não) sẽ cho trẻ giấc ngủ sâu và thoải mái. Sử dụng các loại nhạc cụ thật trong giảng dạy và vui chơi để chuẩn tai nghe âm nhạc cho trẻ.

+ Nếm, sờ, nhìn: trẻ sẽ được trải nghiệm trong các hoạt động chơi và học với những học liệu đa dạng, gần gũi với thiên nhiên như: khám phá thông qua các phương tiện hỗ trợ như: bàn ánh sáng, tiết học làm quen với tác phẩm văn học sẽ trở nên thú vị hơn với hoạt động minh họa với máy chiếu hắt (hắt bóng), khám phá và cảm nhận các chất liệu, nguyên liệu (cát, sỏi, nước đá, lá cây khô) bằng chân…


  


* Môi trường ngoài lớp: Xây dựng môi trường bên ngoài gần gũi với thiên nhiên: trẻ được trồng và chăm sóc các loại rau, bộ gõ âm nhạc ngoài trời, sân chơi cát nước, khu vận động tinh và thô cho trẻ. Giáo viên sẽ cung cấp những nguyên vật liệu mở để trẻ em có thể khám phá và sử dụng một cách sáng tạo như: gỗ, đá, vỏ sò, vỏ ốc, hạt và lá, hạt thủy tinh, chai, giấy, thẻ, ống, vải, nhựa và kim loại. Đi kèm với những nguyên vật liệu thông minh sẽ có rất nhiều đồ dùng, dụng cụ như: bàn gương, bàn ánh sáng, máy chiếu hắt, máy chiếu…sẽ hỗ trợ đắc lực cho trẻ khám phá và trải nghiệm trong các hoạt động như:

+ Hoạt động làm quen với tác phẩm văn học: minh họa câu chuyện bằng máy chiếu hắt, xây dựng hoạt động luyện tập và trò chơi mới lạ bằng việc sử dụng máy chiếu hắt để vẽ bóng các nhân vật; tạo hình bằng cát trên bàn ánh sáng để minh họa câu chuyện, bài thơ cho trẻ…

+ Hoạt động làm quen với toán: dạy trẻ nhận biết hình học bằng máy chiếu hắt, tạo hình chữ số vàchữ cái trên máy chiếu hắt…

+ Hoạt động khám phá khoa học – xã hội: tìm hiểu cấu tạo bên trong của các vât thể thông qua bàn ánh sáng (cắt lát mỏng các loại quả), sử dụng máy chiếu để trẻ thuyết trình về ảnh và video với những chủ đề trẻ được học…

+ Hoạt động tạo hình: học màu sắc và pha màu trên bàn ánh sáng; vẽ lá cây và tạo hình cát trên bàn ánh sáng; vẽ trang trí họa tiết bằng máy chiếu hắt (nhờ có máy chiếu hắt giúp trẻ có thể nhìn rõ họa tiết để vẽ); tạo hình trên đá, trên lá cây khô; khám phá màu sắc và trải nghiệm cảm giác trong trò chơi với đá lạnh; vẽ một vật thể với cái nhìn đa chiều thông qua bàn gương…


  


+ Hoạt động âm nhạc: xây dựng môi trường âm nhạc trong và ngoài lớp để môi trường trở thành người thầy thứ 3 dạy cảm thụ một cách tự nhiên, mọi lúc mọi nơi; điều chỉnh hoạt động dạy hát, dạy vận động phù hợp gây hứng thú với trẻ: hát và vận động theo cô mà không hát từng câu, vận động từng động tác

+ Hoạt động góc:

Góc đọc sách: trang trí góc đọc sách với màn rèm, đèn, cành cây khô…tạo không gian riêng kích thích hứng thú đọc sách cho trẻ;

Góc làm quen chữ số, chữ cái: cung cấp góc này nhiều nguyên liệu mở như đá, viên bi, dây, cành cây khô, phấn, đất nặn…để trẻ làm quen trong các giờ hoạt động góc, hoạt động chiều theo các bước:

+ B1: Bắt chước

+ B2: Khám phá (Chữ này ở đâu?)

+ B3: Sáng tạo

+ B4: Tưởng tượng, tạo cảm hứng bằng câu chuyện

Tương tự các bước như phương pháp dạy chữ cái. Nhưng ngoài mặt nhận biết chữ số, việc làm quen với các con sô còn liên quan đến “lượng” cô sẽ cho trẻ chơi các trò chơi để trẻ được tập đếm và biết “lượng”

Góc khám phá: sử dụng bàn gương để khám phá sự đa chiều của vật thể: sự đối xứng, màu sắc, hình học…

+ Hoạt động ngoài trời: tăng cường các hoạt động trải nghiệm mới lạ cho trẻ thông qua các trò chơi với: xà phòng, màu sắc, vẽ trên đá hay lá cây, chơi với cát và nước  


  


Bên cạnh việc xây dựng môi trường, cách tương tác của cô với trẻ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng: Xây dựng tình yêu vô điều kiện với con (Không phê phán, trách móc); Không dán nhãn (làm một việc gì đó sai là liền kết luận trẻ: không ngoan, hư, không thông minh); Không so sánh (không so sánh trẻ này với trẻ khác); Không trừng phạt (trao đổi với trẻ để trẻ hiểu chứ không trừng phạt trẻ quá nghiêm khắc); Không quá “mong cầu” đứa trẻ phải đạt được một điều gì đó, để trẻ phát triển tự nhiên theo đặc điểm của riêng con.



Đối tác

 Hỗ trợ trực tuyến